Page 325 - Công nghệ kỹ thuật và công nghệ thông tin trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long
P. 325
2023” (Sang, 2023) do Sở Y tế An Giang tổ chức, các đại biểu cho rằng bên
cạnh những thành quả to lớn đạt được trong thời gian qua, ngành y tế ở các
tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách
thức và hạn chế. Chẳng hạn như: nguồn nhân lực còn thiếu và yếu (năm 2020,
mật độ bác sĩ trên dân số trung bình ở ĐBSCL là 7,6 bác sĩ/10.000 dân), cơ
sở hạ tầng và trang thiết bị y tế chưa đồng bộ, trình độ quản lý y tế chưa đáp
ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ cách mạng 4.0 (Quyên, 2023).
Tình trạng quá tải bệnh nhân ở tuyến trung ương mà lại vắng ở các tuyến
dưới, phần nào đó làm giảm chất lượng khám chữa bệnh. Về phía bệnh nhân
mất khá nhiều thời gian, chi phí cho việc di chuyển và chờ đợi. Còn các bệnh
viện thì phải quản lý số lượng rất lớn chứng từ như giấy chuyển viện, tờ điều
trị, toa thuốc,… số lượng y bác sĩ chuyên môn thì có hạn nhưng mà bệnh nhân
lại quá đông, mỗi quyết định chữa trị đều mất khá nhiều thời gian để đảm bảo
chất lượng, hay các cuộc hội chẩn cần rất nhiều chuyên gia tham dự và thảo
luận. Để giải quyết tình trạng này, tạo điều kiện để các bệnh viện tuyến dưới
chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn, ngoài cơ sở vật chất tốt và nguồn
nhân lực chuyên môn cao, sự hỗ trợ của các hệ thống y tế thông minh từ khâu
quản lý đến khâu chẩn đoán, chữa trị cũng rất là cần thiết. Cho dù ở tuyến
trung ương hay cơ sở thì sự hỗ trợ của các hệ thống y tế thông minh, hệ thống
ra quyết định sẽ giúp cho chất lượng y tế ở ĐBSCL được nâng cao hơn.
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở khu vực ĐBSCL ngày
càng cao, sự tham gia của Trí tuệ nhân tạo - Artificial Intelligence (AI) vào
hầu hết các lĩnh vực y học như đọc và phân tích thông tin hồ sơ y tế, chữa trị
ung thư bằng robot siêu nhỏ, thực hiện các hoạt động chụp ảnh cắt lớp vi tính
(computed tomography scan - CT), ảnh siêu âm để phát hiện bất thường trong
ảnh y tế,… đem lại rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn như giúp giảm thiểu một khối
lượng lớn công việc, hỗ trợ các chuyên gia trong chẩn đoán và họ chỉ cần tập
trung vào các trường hợp phức tạp mà các hệ thống AI chưa thể xử lý linh
hoạt. Hệ thống y tế thông minh là điều cần thiết, giúp công tác quản lý y tế
thuận tiện hơn, công việc phát hiện, chẩn đoán và ra quyết định của y bác sĩ
được khách quan hơn nhờ vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Chương này tập trung vào các nội dung: (1) các giải pháp y tế dựa trên
trí tuệ nhân tạo, (2) những thử thách và tiềm năng áp dụng ở ĐBSCL.
16.2 CÁC GIẢI PHÁP Y TẾ DỰA TRÊN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Các ứng dụng học máy có thể có một số khác biệt nhưng quy trình cốt
lõi vẫn gồm một số bước chung như thể hiện ở ở Hình 16.1.
311