Page 5 - SDMD CNKT va CNTT trong tien trinh CNH_HDH DBSCL
P. 5
LỜI NÓI ĐẦU
Tình hình hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang
diễn ra ngày một phức tạp và nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến hoạt động
sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của cả vùng. Theo Tổng cục Khí
tượng Thủy văn Việt Nam, tại lưu vực sông Mekong, thời điểm tháng 4-
5/2024, tổng lượng dòng chảy từ sông Mekong đổ về ĐBSCL thấp hơn mức
trung bình nhiều năm từ 15% đến 20%. Thêm vào đó, dự án nâng cấp và cải
tạo 180 km tuyến kênh giao thông thủy Funan - Techo của Campuchia đang
gây ra nhiều quan ngại về khả năng hạn chế tài nguyên nước ngọt của vùng
hạ lưu sông Mekong. Mặc dù các chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng
và Nhà nước về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí
hậu đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, song thách thức to lớn của vùng vẫn đòi
hỏi các cấp, các ngành phải hết sức nỗ lực tháo gỡ. Các thách thức đó có thể
nhận thấy như: (1) việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật công nghệ và công
nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và sản xuất trong vùng còn hạn chế;
(2) các chính sách hiện hữu vẫn còn thiếu lồng ghép, chưa đủ mạnh để tạo sự
liên kết vùng một cách hiệu quả; (3) nguồn lực địa phương và sự tham gia của
cộng đồng còn giới hạn, trong bối cảnh liên kết giữa các bộ ngành trung ương
và các viện, trường còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày
càng phức tạp và cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, các thách
thức nêu trên sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không có giải pháp
để khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, năng lực quản lý sản xuất kém, sản
phẩm nông nghiệp không ổn định và có tính cạnh tranh thấp, hạ tầng nông
thôn kém và sinh kế dễ tổn thương như hiện nay. Trước thực trạng đó, tài liệu
này được biên soạn nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình ứng
dụng công nghệ kỹ thuật và công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất và
chuyển đổi số trong đời sống xã hội, theo tiến trình công nghiệp hóa - hiện
đại hóa ĐBSCL, từ đó giới thiệu và đề xuất các ứng dụng trong các lĩnh vực
tương ứng.
Tài liệu gồm 19 chương, được cấu trúc thành 3 phần, tập trung trình bày
hiện trạng công nghệ và đề xuất hay định hướng áp dụng cho từng lĩnh vực
tương ứng. Phần 1 trình bày các giải pháp và ứng dụng cơ khí, tự động hóa
hỗ trợ phát triển ĐBSCL. Phần 2 đề cập đến các giải pháp, ứng dụng, quan
trắc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản của vùng. Phần 3 giới thiệu về
các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đào tạo, hành chính
và đời sống xã hội.